Google lên kế hoạch 'học tập' Apple để cạnh tranh với chính Táo Khuyết
Xem nhanh [ẨnHiện]
Tại sự kiện CES 2022 đang diễn ra trong tuần này, Google đâ công bố kế hoạch của mình: tích hợp trên các thiết bị của hãng nhiều tính năng tương tự với Apple như Spatial Audio, AirDrop, kết nối AirPods, mở khóa bằng đồng hồ thông minh và nhiều chức năng khác.
- Samsung Galaxy S21 FE vs Google Pixel 6: Cùng mức giá, sản phẩm nào đáng mua hơn
- Những sản phẩm Apple sẽ ra mắt đáng chú ý nhất năm 2022
Trong bài công bố của mình, Google đã thông báo rằng hãng đang mở rộng tính năng Nearby Share trên Windows PC, nói một cách dễ hiểu thì nó gần giống với AirDrop của Apple, cho phép người dùng có thể dễ dàng chia sẻ hình ảnh từ smartphone qua PC hoặc laptop mà không cần dây kết nối như cách thông thường.
Về mặt công nghệ âm thanh, Google cũng bật mí về việc sẽ đem tính năng kết nối nhanh (Fast Pair) lên các sản phẩm Windows PC, Google TV, Android TV và các thiết bị tương thích với Matter. Điều này sẽ cho phép những chiếc tai nghe có trang bị Fast Pair có thể dễ dàng kết nối với các thiết bị này. Giống như cách mà AirPods liên kết với các thiết bị phát của Apple.
Âm thanh vòm là một tính năng nổi bật trên các dòng tai nghe của Apple như AirPods Pro hay AirPods 3, ngoài việc tạo không gian âm thanh chân thực, nó còn có thể thay đổi âm thanh dựa theo cử động đầu của người dùng, mang đến trải nghiệm cảm âm mới lạ và thú vị. Trong buổi chia sẻ của mình, Google cũng tuyên bố rằng hãng đang phát triển một tính năng âm thanh tương tự Spatial Audio và sẽ sớm trang bị trên các dòng máy Android.
Hiện nay Apple đang có một công nghệ mở khóa các thiết bị của mình như Mac hay iPhone thông qua Apple Watch. Và đây cũng là tính năng được công ty công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới nhắm đến để áp dụng cho các sản phẩm của hãng như Chromebook, Google Pixel và tất nhiên không thể thiếu Wear OS.
Như vậy có thể thấy trong năm 2022, mục tiêu của Google là đem đến cho hệ sinh thái sản phẩm của mình những tính năng tương tự như Apple, nhằm tăng cường trải nghiệm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên để đánh giá mức độ thành công, chúng ta vẫn sẽ phải chờ đợi những diễn biến sẽ xảy ra trong năm nay.
Một điểm lợi thế của Google so với nhiều hãng công nghệ khác đó chính là việc ông lớn này nắm trong tay quyền kiểm soát cả phần mềm lẫn phần cứng trong toàn bộ các sản phẩm của hãng, tương tự như Apple. Chính với lợi thế này mà việc xây dựng một hệ sinh thái có tính liên kết chặt chẽ giữa các sản phẩm không phải là một điều gì đó quá khó khăn.
Bạn có nghĩ với những thay đổi này, Google liệu có đủ khả năng để xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm giống với cách mà Apple đang làm hay không? Cùng chia sẻ ý kiến cá nhân của bạn với XTmobile ở phần comment nhé.
XTmobile.vn (9to5mac)